Phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ trong lao động sản xuất, cựu chiến binh (CCB) Trần Đình Song ở thôn Hậu Lộc, xã Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã vượt khó vươn lên làm giàu bằng mô hình nuôi cá cảnh, đem lại thu nhập cho gia đình mỗi năm 400-500 triệu đồng.
Nhìn căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, ít ai biết rằng để có được thành quả như ngày hôm nay, CCB Trần Đình Song đã trải qua rất nhiều khó khăn. Năm 1979, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông tham gia nhập ngũ và được phân về Lữ đoàn 125 Hải quân. Đến năm 1982, ông xuất ngũ trở về quê hương bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình. Thời gian tham gia bộ đội đã rèn luyện cho ông tinh thần vượt qua gian khó để vươn lên trong cuộc sống. Nhớ lại những ngày đầu, CCB Trần Đình Song đã trải qua nhiều công việc khác nhau để mưu sinh như làm máy khâu, lái xe tải… nhưng kinh tế gia đình cũng không khá giả hơn là mấy.
Vốn yêu thích cá cảnh từ bé nên có điều kiện gặp mặt các đồng ngũ làm kinh doanh từ việc nuôi cá cảnh, ông đã mày mò học hỏi và nhờ bạn bè giúp đỡ trong việc xây dựng mô hình này. Để mô hình nuôi cá cảnh đi vào hoạt động, khó khăn lớn nhất đối với CCB Song lúc mới bắt tay vào làm việc là vốn. Ông đã nhờ sự giúp đỡ của người thân trong gia đình và bạn bè được một khoản tiền để đầu tư cải tạo ao nuôi và xây dựng bể chứa trên diện tích 40m2, với 20 bể kính.
Ông nhập cá cảnh giống từ Thành phố Bắc Giang về với nhiều loại cá phổ thông như cá chép voi, chép vàng. Thời gian đầu, do thay đổi môi trường sống, kinh nghiệm nuôi chưa có, cá bị bệnh và chậm lớn. Ông cũng chưa am hiểu chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng của từng chủng loại cá nên thất bại khá nhiều. Tuy nhiên với bản chất kiên trì, chịu khó, ông không nản lòng, tiếp tục tìm tòi và học hỏi từ đồng đội, bạn bè gần xa các công đoạn chăm sóc cá một cách tỉ mỉ nhất.
Ông Song chia sẻ: “Chăm sóc cá nhìn thì đơn giản nhưng thật ra rất tỉ mỉ và công phu. Để có được một lứa cá đẹp, người nuôi phải biết cách chăm sóc, từ khâu cho ăn tới việc vệ sinh thay nước cho cá. Đơn giản như loài cá vàng truyền thống, muốn chúng mau lớn, sinh sản đúng thời kỳ thì phải chăm sóc thật cẩn thận, thức ăn chủ yếu là thủy trần, người nuôi phải dậy từ sớm tinh mơ ra ao hồ vớt. Nước thay cho cá phải là nước sạch, dính phải nước bẩn là cá dễ bị mắc bệnh và chết…”.
Cũng theo ông Song, mỗi lần sinh sản cá có thể đẻ được hàng nghìn trứng, nhưng một lứa chỉ lọc được vài trăm con cá khỏe mạnh và đẹp để làm cá giống. Việc cá sinh sản phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và việc chăm sóc đúng kỹ thuật. Nếu vào mùa hè, tỷ lệ trứng nở có thể lên tới 60-70% nhưng vào mùa đông chỉ được khoảng 30-40%. Cá con mới nở thức ăn chính là bột mịn và nhỏ, dần dần sẽ điều chỉnh lượng và loại thức ăn theo từng thời kỳ phát triển của cá…
Được sự giúp đỡ của đồng đội, sự động viên của anh em trong gia đình và nỗ lực không ngừng của bản thân, cơ sở nuôi cá cảnh của ông Song ngày càng phát triển, cung cấp giống cho khắp các tỉnh như: Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Kiên Giang… Trung bình mỗi tháng, cơ sở nuôi cá của ông xuất được 3-4 tấn cá giống các loại. Có vốn, ông tiếp tục mở rộng quy mô nuôi cá, đầu tư thêm các bể cá hiện đại để nâng cao chất lượng con giống. Hiện tại, cơ sở nuôi cá cảnh giống của gia đình ông có diện tích 300m2 với 40 bể kính, 20 bể xây cùng 7 sào ao thả cá, với gần 100 loài cá khác nhau. Có những loài cá truyền thống từ lâu đời như cá vàng, cá bảy màu, cá chọi… và những loại cá nhập ngoại từ thị trường Trung Quốc như cá rồng, cá tai tượng… để đáp ứng nhu cầu của người nuôi cá cảnh. Nhiều loại cá quý được khách hàng ưa chuộng như cá chép Nhật, cá tam dương, cá Koi…, thậm chí có cả những loại cá có giá trị cao như cá huyết long có giá 20 triệu đồng/con; cá kim long quá bối giá 10 triệu đồng/con…
Mạnh dạn, năng động, dám nghĩ, dám làm, ông Song cũng như nhiều CCB khác luôn là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần vượt khó vươn lên, không cam chịu đói nghèo, phát huy bản chất của người lính Cụ Hồ, nắm bắt cơ hội để làm giàu chính đáng cho bản thân và góp phần xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu mạnh.