Nghề nuôi cá sinh sản ở Thiệu Tâm (Thanh Hóa)

Hệ thống bể nhân tạo nuôi cá trắm sinh sản của một gia đình trong xã Thiệu Tâm (Thiệu Hóa – Thanh Hóa).

Từ khi có tuyến xe buýt chạy qua, địa danh Hậu Hiền thuộc xã Thiệu Tâm (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) ngày càng được nhiều người biết đến. Những ngôi nhà tầng khang trang tạo nên bề thế cho nơi được người dân trong vùng gọi là “phố Hậu Hiền” này đa phần của các gia đình có nghề ương nuôi và kinh doanh cá giống.

Điều đó càng cho thấy nghề truyền thống này ở Thiệu Tâm vẫn đang trong giai đoạn phát triển hưng vượng. Chạy dọc theo đường tỉnh 515 khoảng hơn 1km, chúng tôi ghi nhận có hàng chục ao, hồ nuôi cá được kè bờ kiên cố. Những tấm lưới xanh – đỏ được dùng để chia nhỏ các ao nuôi, hoạt động bắt cá, chở cá, bán cá giống nhộn nhịp khắp các bờ ao, ngõ xóm… đã trở thành những hình ảnh đặc trưng của làng quê này.

Hỏi về lịch sử nghề ương nuôi cá bột ở đây, những người trong cuộc cũng không biết rõ đã tồn tại chính xác bao lâu, nhiều gia đình chỉ biết nối nghiệp nhau từ đời ông, đời cha rồi các thế hệ sau mà phát triển. Hơn 20 ha mặt nước ao hồ của xã được tận dụng và khai thác triệt để phục vụ phát triển hoạt động ương nuôi các giống cá. Nghề phát triển nhộn nhịp nhất là từ đầu xuân đến hết mùa thu, mùa đông tạm trầm lắng do tiết trời lạnh giá, ương nuôi cá không hiệu quả. Lúc cao điểm, xã Thiệu Tâm có hơn 300 gia đình tham gia cho cá sinh sản nhân tạo, ương nuôi, buôn bán dịch vụ liên quan đến cá giống. Nhờ đó, hàng trăm lao động, chủ yếu tại các thôn Đồng Thanh, Đồng Tiến 1, Đồng Tiến 2, Đồng Tâm… có việc làm và thu nhập ổn định. Trong mùa xuất bán cá, mỗi ngày có cả trăm lượt người từ các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Đông Sơn… đến mua cá giống để bán lẻ khắp các huyện, thị xã trong tỉnh. Hàng chục gia đình ở xã Quảng Tâm (Quảng Xương) cũng thường xuyên lên đây mua ấu trùng cá mới nở về ương nuôi thành cá giống để bán.

Nhiều người dân địa phương đều ghi nhận, người có công đầu trong việc mày mò nghiên cứu và cho cá sinh sản thành công là bác Nguyễn Xuân Thái, ở thôn Đồng Thanh. Thấy có khách hỏi thăm, bác Thái mời chúng tôi vào nhà và dẫn thăm cơ sở ương nuôi cá trắm sinh sản ngay trong vườn. Bác Thái cho biết: Trước đây, bà con trong xã phải ra tận khu vực sông Hồng để vớt trứng cá về cho ương nuôi, bởi cá trôi, trắm, chép… trong môi trường nuôi ao thường không sinh sản hoặc đẻ trứng nhưng không nở thành con được. Nguồn trứng cá tự nhiên dần cạn kiệt, hơn nữa lại thấy bà con mình lặn lội ra tận miền Bắc lấy trứng cá vất vả. Nên từ năm 1983, bác đã xây bể, mày mò nuôi cho cá trắm, cá trôi sinh sản rồi vừa làm vừa tự rút kinh nghiệm. Sau nhiều lần thất bại, bác Thái đã tìm được “chìa khóa” cho việc nuôi cá sinh sản là phải tìm cá bố mẹ đúng thời điểm động dục, nuôi nhốt trong môi trường nước liên tục chảy. Thế rồi hệ thống các bể cao – thấp khác nhau, được bơm nước tuần hoàn, có các vòi phun được ra đời đã kích thích cá sinh sản và thụ tinh như trong môi trường tự nhiên. Hiện tại, ngoài 3 ha ao nuôi cá bố mẹ, gia đình bác Thái còn xây dựng 8 hệ thống bể nhân tạo cho cá sinh sản. Hàng tuần, các công nhân liên tục kéo cá bố mẹ từ các ao lớn để kiểm tra, con nào đến kỳ sinh sản được vớt riêng, tiêm thuốc kích thích rồi thả về các bể nhân tạo để đẻ trứng. Mỗi năm, một con cá mẹ có thể sinh sản 3 đến 4 lần, mỗi lần hàng trăm nghìn trứng. Trứng sau khi được cá bố thụ tinh, gia đình mở cống cho chảy xuống một bể phía dưới để “ấp”. Khoảng 30 đến 35 ngày sau, hàng vạn cá giống lại được xuất bán. Trung bình, mỗi năm gia đình bác Thái sản xuất khoảng 200 triệu con cá giống, thu lãi khoảng 150 triệu đồng.

Từ mô hình của bác Thái, khoảng từ năm 1994 đến nay, nhiều gia đình trong xã đã học hỏi và phát triển mô hình nuôi cá sinh sản nhân tạo, đem lại thu nhập cao. Đó cũng là bước ngoặt lớn cho nghề ương nuôi cá giống ở Thiệu Tâm, bởi trước đây nguồn cá giống nước ngọt của tỉnh đa phần phải vận chuyển về từ các tỉnh phía Bắc, nay cá giống Thanh Hóa lại trở thành nguồn để đưa ra chính các địa phương này. Nhiều hộ dân khác trong xã như gia đình các anh: Trần Văn Thành, Trần Trọng Quyền, Nguyễn Văn Tuyên… cũng có lợi nhuận từ hàng chục đến cả trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nghề truyền thống này.