Cá Chình hoa (Anguilla marmorata) có thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng là loài đặc sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao và được coi như (nhân sâm dưới nước). Vì vậy cá Chình hoa được rất nhiều nước ưa chuộng. Cá Chình trên thị trường hiện nay được cung cấp từ nguồn khai thác tự nhiên. Tuy nhiên việc khai thác cá chình quá mức gây nên hậu quả nguồn lợi cá Chình trong khu vực giảm đáng kể.
Để bảo vệ và phát triển nhu cầu tiêu dùng trong nước và tiến tới xuất khẩu việc nghiên cứu nuôi thương phẩm đối tượng này là rất cần thiết, đồng thời nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, góp phần mở rộng nghề nuôi trồng thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần phát triển kinh tế xã hội UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho công ty cổ phần giống thủy sản Thanh Hóa chủ trì thực hiện dự án: ‘‘Ứng dụng khoa học công nghệ nuôi thương phẩm cá Chình hoa (Anguilla marmorata) trong ao đất tại Thanh Hóa’’ đã được triển khai từ tháng 8/2016 đến tháng 9/2018 nhằm đáp ứng các yêu cầu trên.
Cá Chình hoa là một đối tượng nuôi tương đối mới, hiểu biết về đối tượng nuôi này chưa nhiều. Do đó, lần đầu tiên tiếp cận với công nghệ nuôi cá Chình thương phẩm khá mới và phức tạp dẫn tới gặp phải những khó khăn và hạn chế nhất định đối với đội ngũ các bộ kỹ thuật của cơ quan chủ trì.
Dự án đã tiến hành thả cá giống Chình hoa nuôi thương phẩm trong ao đất tại Trại giống thủy sản Thiệu Hóa theo hình thức nuôi bán thâm canh. Kích cỡ cá giống thả đồng đều, khỏe mạnh, không có dấu hiệu xây xát, bệnh tật, kích cỡ trung bình cá giống thả nuôi là 80g/con.
Thức ăn sử dụng đối với ao nuôi gồm: thức ăn công nghiệp chiếm 50% và còn lại là 50% thức ăn tươi sống ( bao gồm giun quế và cá tạp tươi). Ngoài ra còn bổ sung thêm Vitamin C và men tiêu hóa khi cần thiết. Thức ăn tươi sống (cá tạp tươi) được xay nhuyễn, giun quế băm nhỏ, thức ăn công nghiệp được ngâm và bóp nhuyễn. sau đó trộn đều các loại thức ăn lại với nhau và đem cho ăn.
Thức ăn được cho vào các sàng cho ăn được đặt tại một vị trí cố định trong ao nuôi. Kiểm tra việc sử dụng thức ăn của cá sau 2 giờ kể từ lúc cho cá ăn để theo dõi việc sử dụng thức ăn của cá nhằm điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Cá Chình là loài ưa hoạt động trong bóng tối nên thức ăn sử dụng là thức ăn chìm và phải sử dụng sàng ăn để giữ thức ăn không bị thất thoát trong quá trình cho ăn. Đồng thời do cá Chình thích bóng tối nên thường hoạt động mạnh về ban đêm, do đó lượng thức ăn cho ăn vào buổi tối phải nhiều hơn các lần cho ăn khác trong ngày.
Cá được cho ăn 2 lần/ngày vào lúc 7-8 giờ và 17-18 giờ, lượng thức ăn cho ăn vào buổi tối bằng 2/3 tổng lượng thức ăn trong ngày. Khẩu phần cho ăn giảm dần từ giai đoạn thả giống đến khi thu hoạch, từ 10-3% tổng khối lượng đàn cá ( từ 10% lúc thả giống xuống còn 3% lúc thu hoạch).
Cá Chình là một trong những loài cá nuôi có sự phân đàn lớn trong quá trình nuôi. Do đó trong quá trình nuôi đơn vị chủ trì đã tiến hành phân cỡ đàn cá ở ao nuôi để cá trong ao nuôi tương đối đồng đều về kích cỡ, đảm bảo không có sự cạnh tranh về thức ăn và cá nuôi có sự tăng trưởng tốt nhất.
Trong thời gian thực hiện dự án do điều kiện thời tiết luôn biến động không được ổn định. Nên cá bắt mồi kém so với khẩu phần % thức ăn/ngày. Có những tháng rét đậm, rét hại kéo dài cá chỉ ăn được 5-7 ngày/tháng với khẩu phần ăn rất ít. Mặt khác do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, biên độ dao động ngày đêm rất lớn đã dẫn đến tỷ lệ sống của cá thấp.
Các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cá nuôi là: nhiệt độ, PH, hàm lượng oxy hòa tan. Đặc biệt sự ảnh hưởng của nhiệt độ đến việc sử dụng thức ăn của cá Chình nuôi tại Thanh Hóa biểu hiện trong các tháng mùa đông và mùa hè biến động ở trên và dưới ngưỡng thích nghi cho cá Chình sinh trưởng tốt (nhiệt độ nước ao có lúc xuống đến 100C hoặc lên tới 380C). Tuy nhiên do đặc điểm vùng khí hậu Thanh Hóa có sự dao động nhiệt giữa các mùa trong năm nên các ao nuôi đều chịu những ảnh hưởng của sự biến động này.
Chính vì vậy, việc lựa chọn mô hình nuôi trong điều kiện duy trì được ngưỡng nhiệt độ thích hợp cho cá Chình sinh trưởng phát triển là rất cần thiết khi thực hiện tại Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh Bắc Trung Bộ nói chung.
Kết quả của dự án bước đầu khẳng định khả năng sống của cá Chình hoa nuôi trong ao đất với các điều kiện của tỉnh Thanh Hóa và đã xây dựng dựng được quy trình kỹ thuật nuôi cá Chình hoa thương phẩm trong ao đất tại Thanh Hóa ( khuyến cáo cho hướng nghiên cứu tiêp theo tại Thanh Hóa). Các cơ sở nuôi trồng thủy sản và người nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có thể áp dụng quy trình này để khảo nghiệm với quy mô nhỏ.