Là địa phương có địa hình nhiều suối, tận dụng lợi thế này người dân đã tận dụng những diện tích ruộng sâu gần nhà để đào ao thả cá. Do vậy nguồn thực phẩm từ mô hình ao cá đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân của xã Hoằng Hóa. Tiểu biểu là mô hình ương, nuôi và cho cá Rồng sinh sản của gia đình ông Lê Văn Bình ở bản Pượn xã Hoằng Hóa. Đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, là điểm đến hấp dẫn cho những du khách và thu hút đông đảo những người dân đến học tập kinh nghiệm.
Từ trung tâm xã Hoằng Hóa vào đến nhà ông Lê Văn Bình ngót 10 km vòng vèo qua nhiều vạt rừng vắng đường đi lại khó khăn. Thật khó hình dung ở lưng núi lại nuôi được giống cá này, chúng tôi đến thăm mô hình của gia đình ông đúng vào thời điểm ông Bình đang chuẩn bị thả cá con vào ao. Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng nhìn cách ông thả cá có thể thấy ông còn rất khỏe mạnh và tinh tường. Ông tỏ ra rất phấn khởi khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về kinh nghiệm và phương pháp nuôi cá Rồng, ông khiêm tốn: Cứ nuôi lâu, nuôi nhiều là khắc có kinh nghiệm thôi. Với địa hình sẵn có nguồn nước, gia đình ông Lê Văn Bình, đã mạnh dạn đầu tư vốn cho chăn nuôi thủy sản, năm đầu ông thả các loại cá thuần như: trắm, trôi, chép, mè, rô phi, nhưng qua một thời gian đưa vào nuôi, ông nhận thấy các loại cá này chậm phát triển, giá thành không cao, không có sức cạnh tranh, lại hay xảy ra dịch bệnh gây thất bại. năm 1996 ông được bố vợ cho 30 con cá bổng bắt ở sông mã về nuôi qua thời gian ông thấy Cá Rồng thoạt nhìn giống cá trắm với thân mình thon dài nhưng lưng của chúng có màu xanh rêu, môi và vây màu đỏ, Cá Rồng là loài ăn tạp, thức ăn sẵn có chủ yếu là cỏ, ngô, sắn. Theo ông Bình cá Rồng rất dễ nuôi, hơn nữa lại có trọng lượng lên tới hơn 10 kg, thịt thơm, ngon, dễ thích nghi với nguồn nước tự nhiên.
Ông Bình cho biết thêm: “Khi đạt trọng lượng từ 3-5 kg cá bắt đầu sinh sản,1 năm cá sinh sản 2 lần từ tháng 2 đến tháng 9. Năm 2016 gia đình ông cho suất 7 vạn con cá giống với giá thành từ 3 đến 5 ngàn đồng 1 con. Đến hết tháng 11/2017 gia đình ông đã xuất hơn 8 vạn con cá giống. Cùng với bán cá giống và cá thịt, bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập được từ 300 đến 350 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, dù hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, nhưng ông Bình cho biết, việc nuôi cá Rồng hiện nay lại gặp hai khó khăn cơ bản đó là đầu ra cho cá vì việc bán cá Rồng giống của gia đình ông chỉ phụ thuộc vào các thương lái là chính và tuyến đường từng trung tâm xã vào đến khu ao nuôi cá của gia đình ông chủ yếu là đồi dốc đến mùa mưa hầu như thương lái không thể vào thu mua được.
Mô hình nuôi cá Rồng được phát triển trong những năm gần đây ở một số tỉnh như: Thanh Hóa, Nghệ an, Hà Tĩnh… nơi có nguồn nước mát, sạch. Ưu điểm lớn nhất của nuôi thương phẩm cá Rồng là sức đề kháng với bệnh tốt, chi phí đầu vào thấp, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, nuôi được với mật độ cao, có đầu ra tương đối ổn định. Do đó đem lại hiệu quả kinh tế cao, đã giúp nhiều hộ dân một số tỉnh miền núi thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Có thể nuôi thương phẩm với nhiều hình thức khác nhau như trong ao, hồ, lồng, bè.Thức ăn phổ biến của cá Rồng là loài ăn tạp và ăn rất nhiều, nguồn thức ăn chủ yếu gồm giun, cá vụn nước ngọt và đồ phế thải của chăn nuôi, có thể tận dụng bèo, thân chuối băm nhỏ, rau nên chi phí thức ăn nuôi thương phẩm khá thấp. Cá Rồng giàu giá trị dinh dưỡng, chất lượng thịt thơm ngon, được rất nhiều người ưa thích. Hiện nay giá bán trên thị trường khoảng 150.000 – 200.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm.
Với tín hiệu khả quan từ việc nuôi giống cá Rồng, ông Bình đang tích cực mở rộng diện tích ao đầm của gia đình, để nhân rộng mô hình nuôi cá Rồng. Theo ông cho biết, nếu tìm được đầu ra tốt, tận dụng tốt nguồn thức ăn sẵn có thì nuôi cá Rồng sẽ là hướng đi giúp đồng bào vùng cao này thoát nghèo nhanh chóng.
Trao đổi về định hướng phát triển kinh tế XĐGN của xã trong những năm tới, đồng chí Trần Minh Thông, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: BCH Đảng bộ xã tập trung khắc phục những khó khăn, tồn tại; tiếp tục trú trọng vào xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, địa hình của xã, đặc biệt tập trung vào mô hình trồng cây luồng và nuôi ương cá giống làm thế mạnh.