Cá Lăng chấm ( Hemibagrus guttatus – Lacepede 1803 ) là loại cá nước ngọt có trong tự nhiên, ưa dòng chảy. Thịt cá Lăng mềm, hương vị thơm ngon, không có xương dăm, giá bán cao, được coi là một trong những đặc sản hàng đầu tại Thanh Hóa và các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Mặc dù vậy ở các tỉnh Bắc Trung Bộ mô hình nuôi cá Lăng chấm hiện nay chưa được phát triển rộng rãi. Để phát triển mô hình nuôi cá chất lượng cao này được sự quan tâm của tỉnh năm 2010- 2012 Công ty cổ phần giống thủy sản Thanh Hóa đã thực hiện dự án: “ Sản xuất giống cá Lăng chấm ( Hemibagrus guttatus – Lacepede 1803 ) bằng công nghệ nhân tạo tại Thanh Hóa ”
Sau 2 năm thực hiện, dự án đã mang lại những hiệu quả nhất định, hứa hẹn mô hình nuôi cá Lăng chấm có thể mở rộng thành mô hình nuôi đại trà cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, bổ sung nguồn lợi thủy sản cho các sông hồ lớn đầu nguồn tỉnh Thanh Hóa.
Đây là lần đầu tiên Thanh Hóa cho cá Lăng chấm đẻ thành công bằng phương pháp nhân tạo. Công ty cổ phần giống thủy sản Thanh Hóa đã cho cá Lăng chấm sinh sản nhân tạo trong hai năm 2017, 2018 đã thu được 59.130 con cá bột. ương được 43.210 con cá hương. Nuôi từ cá hương lên cá giống được 35.640 con cá giống cỡ 4- 6 cm, tỷ lệ sống 82%.
Cá Lăng chấm là loại cá da trơn, có giá trị thương phẩm cao và đang có nguy cơ tuyệt chủng. Thành công trong việc sản xuất cá Lăng chấm giống bằng phương pháp nhân tạo sẽ mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi thủy sản tỉnh Thanh Hóa, người chăn nuôi có thể chủ động về con giống để phát triển nuôi thương phẩm trên diện rộng. Thanh Hóa có hơn 8.500 ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt, có nhiều sông suối, ao đất, có hồ chứa nước lớn rất thích hợp để nuôi cá Lăng chấm.
Công nghệ sinh sản nhân tạo giống cá Lăng chấm là công nghệ mới, phức tạp hơn so với công nghệ sản xuất cá giống trước đây. Quy trình công nghệ sinh sản nhân tạo cá lăng chấm được tiến hành như sau: Công đoạn đầu tiên tiến hành tuyển chọn, nuôi vỗ cá bố mẹ, tiếp đến kích thích sinh sản nhân tạo, thụ tinh nhân tạo, ấp trứng, ương cá bột lên cá hương, ương cá hương lên cá giống và cuối cùng là thu hoạch cá giống cung ứng cho người nuôi thương phẩm.
Cá lăng chấm bố mẹ được nuôi vỗ trong ao có độ sâu nước 1,2- 1,5m, cho ăn theo đúng chế độ dinh dưỡng, lắp đặt hệ thống phun mưa nhân tạo và bơm nước tạo dòng chảy tuần hoàn. Phun mưa nhân tạo và bơm nước tạo dòng chảy trong ao nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ là một trong những khâu kỹ thuật quan trọng nhất trong quy trình sản xuất giống cá Lăng chấm, để nâng cao tỷ lệ thành thục của cá bố mẹ so với tự nhiên.
Sau khi nuôi vỗ, chọn lựa cá bố mẹ thành thục cho sinh sản nhân tạo. Tiêm kích dục tố cho cá đẻ bằng hormone LRHa kết hợp với Domperidone. Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cá lăng chấm khác so với một số loài cá khác. Do tuyến sinh dục cá lăng chấm đực hình lược, lượng sẹ rất ít và không vuốt được như các loài cá chép, trôi, trắm cỏ… nên phải mổ cá đực để lấy tuyến sẹ, thụ tinh cho trứng bằng phương pháp thụ tinh khô. Thông số này rất quan trọng trong thực tế sản xuất vì nó giúp người sản xuất tránh lãng phí và có thể dự đoán được số lượng cá đực cần thiết phục vụ cho việc sinh sản nhân tạo. Cá đực sau khi khâu lại vết mổ có thể thả vào ao tiếp tục nuôi vỗ sử dụng cho những năm sau. Bằng phương pháp mổ cá đực lấy tuyến sẹ nghiền nhỏ để thụ tinh nhân tạo, công nghệ này đã khắc phục được tình trạng khó vuốt tinh khi thụ tinh nhân tạo ở các loại cá da trơn do buồng sẹ có nhiều nốt thắt.
Trong quá trình thực hiện dự án, Công ty cổ phần giống thủy sản Thanh Hóa đã sản xuất được 35.640 con cá giống lăng chấm cỡ 4 – 6cm. Các chỉ tiêu thực hiện cho thấy: tỷ lệ thành thục đạt trên 80%, tỷ lệ đẻ đạt 75%, tỷ lệ thụ tinh đạt trên 55%, tỷ lệ trứng nở đạt trên 50%, tỷ lệ ương cá bột lên cá hương đạt 73%, tỷ lệ ương cá hương lên cá giống cỡ 4-6cm đạt 82%.
Hiện nay việc nuôi thương phẩm cá Lăng chấm bước đầu mang lại những thành công. Mô hình nuôi thử nghiệm ở Thanh Hóa thả nuôi 700 m2 với 350 con giống đã mang lại hiệu quả. Nuôi cá Lăng chấm thương phẩm theo phương thức bán thâm canh, sau 12 tháng nuôi trong ao đất bằng nguồn thức ăn tươi sống có sẵn tại địa phương kết hợp với thức ăn công nghiệp bổ sung giai đoạn đầu cá đạt khối lượng trung bình lớn hơn 400g/ con.
Có thể nói, việc sản xuất thành công giống cá lăng chấm tại Thanh Hóa đã khẳng định thêm những bước tiến mới về sự trưởng thành và phát triển của đội ngũ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học cũng như các cơ quan quản lý của tỉnh nhà trong quá trình tiếp cận với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến. Góp phần đưa nhiều giống vật nuôi mới có chất lượng và hiệu quả cao vào sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Hạn chế việc khai thác bừa bãi nguồn thủy sản ngoài tự nhiên, góp phần bảo tồn nhiều loài thủy sản quý hiếm. Từ đó, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người nuôi trồng thủy sản, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thanh Hóa.